Yếu Tố Cần Nhất Của 1 Bài Trình Bày: Thông Điệp Từ Trái Tim <Phần 1>

Trưa hôm nay Quốc đọc được 1 dòng status của 1 người bạn trên facebook – người mà Quốc gọi với cái tên thân thiết là Partner - Thảo Đinh.
Cô ấy chia sẻ 1 dòng như sau:“Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”
Một dòng thông điệp ngắn gọn, nhưng khiến người ta phải suy nghẫm!
Hai từ “Điều gì” ở đây bao hàm rất nhiều hoạt động mà chúng ta làm mỗi ngày. Đó có thể là: 1 việc làm nhỏ như nấu 1 bữa sáng cho vợ, và khi nấu ta đặt tình yêu vào trong đó, thì khi ăn ắt hẳn vợ sẽ cảm thấy ngon hơn và hạnh phúc hơn. Một ánh nhìn, 1 cái vỗ vai nhẹ với sự đồng cảm thực sự dành cho đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn trong công việc, thì tự nhiên người nhận được cái vỗ vai ấy, ánh mắt ấy sẽ cảm thấy ấm lòng và nhẹ gánh hơn nhiều.  Hay đến 1 việc có sức ảnh hưởng lớn hơn như là việc đứng đào tạo cho hàng trăm học viên, trình bày về sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng, đối tác, trình bày kế hoạch trước phòng ban, đội ngũ công ty…thì việc trình bày ấy càng cần, nên, phải xuất phát Từ Tâm – Từ Trái Tim.  John Ford từng nói: “Bạn có thể trình bày tốt nếu bạn truyền tải thông điệp từ trái tim”. Quả thật, sự chân thành vốn dĩ đã có sức hút riêng của nó. Mọi công cụ, cách thức, bí quyết sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc sẽ không mang tính lâu bền khi chúng ta trình bày mà thiếu đi yếu tố cốt lõi là SỰ CHÂN THÀNH.  
Vì thế, khi thông điệp xuất phát từ Tâm – Trái Tim Chân Thành sẽ có khả năng chạm đến trái tim người khác và sẽ có khả năng truyền cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ đến nổi bạn không ngờ tới. 
Để truyền tải được thông điệp TỪ TRÁI TIM thì có nhiều điểm cần lưu tâm, trong phạm vi bài viết ngắn này chúng ta cùng thảo luận 3 điểm sau:
Thứ nhất: Ý Niệm Đầu Tiên Bên Trong Suy Nghĩ Của Chúng Ta Phải “Thanh Sạch”
Có thể được hiểu là trước khi trình bày thì từ trong tư duy, trong suy nghĩ của ta có tâm niệm, có ước mong rằng lời nói của ta, thông điệp của ta mang lại lợi ích, điều hay, điều tốt cho người nghe, và ta thực tâm làm điều đó. 
Và lợi ích có được từ bài trình bày đó không phải thuộc về bản thân Ta mà là thuộc về Chúng Ta < chúng ta bao gồm người trình bày, người nhận thông điệp và những người liên quan >.
Thứ hai: Mục Đích Của Bài Trình Bày Phải “Đạo Đức”
Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến một Hitler bạo tàn – Người đã dùng khả năng hùng biện đại tài của mình cho 1 mục đích không tốt đó là kích động người Đức tán thành việc gây chiến tranh, xâm lược và diệt chủng. 1 Hitler thôi thế giới hỗn loạn, huống chi nếu có 10 Hitler, 100 Hitler thì thế giới này sẽ đảo điên như thế nào?... chúng ta cũng không tưởng tượng ra nổi.
Và ngay thời đại chúng ta, ngay xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều người với tâm bất chính, họ sử dụng khả năng hoạt ngôn của mình, khả năng trình bày tài tình của mình để mưu cầu lợi ích bất chính của riêng cá nhân: không ít nhà đầu tư đã bị lừa gạt, không ít những khách hàng đã ăn quả lừa to tổ chảng, bự chà bá lửa với những thông điệp mĩ miều làm giàu qua đêm, làm giàu chớp mắt, có một không hai v.v...
Do vậy, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là 1 người trình bày, 1 người thuyết trình, 1 nhà diễn thuyết là phải cân nhắc liệu mục đích bài trình bày của ta có hợp với đạo đức hay không?
Thứ ba: Nội Dung Thông Điệp Của Ta Phải Trung Thực.
Chúng ta cũng đã ít nhiều gặp những tình huống nhà cung cấp/người bán hàng khi trình bày về sản phẩm/dịch vụ thì hay “NÓI QUÁ, NÓI LỐ” về chất lượng của sản phẩm/dịch vụ nhằm “DỤ” khách hàng mua hàng. Hoặc tệ hơn nữa là “nói dối trắng trợn” mà không hề quan tâm đến hậu quả có thể gây ra cho người khác => Điều này là không trung thực, và tất nhiên sẽ dẫn đến sự hợp tác sẽ không lâu bền vì “nhất sự bất tín vạn sự bất tin” 1 khi sự tín nhiệm giữa người trình bày và người nghe bị phá vỡ thì nó sẽ không bao giờ được khôi phục trọn vẹn, cũng giống như “gương vỡ lại lành” nhưng “vết sẹo trên gương” vẫn luôn hiện hữu.
Do vậy, ở vai trò người trình bày chúng ta hãy lưu tâm đến những số liệu thống kê, những đặc điểm, lợi ích của sản phẩm/dịch vụ, những bằng chứng phải xác thực, nên trình bày đúng sự thật không nên “thêm mắm, thêm muối, thêm ớt, thêm dầu” vào làm tổn hại đến tính công bằng và lợi ích của các bên.
Một vài chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân, cũng như góp nhặt vài ý của tiền nhân gửi đến Anh Chị Em – Những người đã, đang, chuẩn bị trình bày 1 thông điệp nào đó cho những người xung quanh.
 
Nguyễn Thành Quốc
Nguyễn Thành Quốc
Anh là người sáng lập và điều hành Tâm Tâm Training từ 1/2016. Tâm Tâm Training là tổ chức đào tạo được tin yêu, tập trung nghiên cứu và triển khai những giải pháp về phát triển năng lực trình bày/thuyết trình/đào tạo/huấn luyện/diễn thuyết/hùng biện dành cho các cá nhân và tổ chức.

Các chương trình huấn luyện tiêu biểu được anh Nguyễn Thành Quốc thiết kế và trực tiếp đào tạo

Công thức góp phần tạo nên thành công trong đào tạo của anh Nguyễn Thành Quốc gói gọn trong trong 4 chữ T: Từ Tâm - Tâm Lý - Tâm Huyết - Truyền Cảm Hứng

 
Chia sẻ:

Bình Luận