7 BÍ QUYẾT GIÚP GIẢM BỚT SỰ NHÀM CHÁN, KHÔ KHAN & TĂNG SỰ MƯỢT MÀ, LÔI CUỐN KHI TRÌNH BÀY.

7 BÍ QUYẾT GIÚP GIẢM BỚT SỰ NHÀM CHÁN, KHÔ KHAN & TĂNG SỰ MƯỢT MÀ, LÔI CUỐN KHI THUYẾT TRÌNH

Cũng đôi lần chúng ta tự hỏi mình là: Hình như các phần trong bài thuyết trình của mình có vẻ khô khan, rời rạc quá, không thấy liên kết với nhau cho lắm?

Sao mạch bài thuyết trình hay bị đứt quãng, vỡ vụn ra từng đoạn thế kia? Làm cho người nghe cũng mất tập trung, không chú ý, mà bản thân mình cũng bị tụt mất cảm xúc không còn hào hứng để trình bày nữa.

Rồi khi xem bài thuyết trình trên các trang Ted Talk, tham gia những khóa huấn luyện chuyên sâu, xem các bài hùng biện của các chính trị gia nổi tiếng trên thế giới…chúng ta luôn trong trạng thái tròn xoe miệng, mắt nhìn chăm chú và dường như thế giới xung quanh thu hẹp lại vừa bằng khuân mặt của người diễn giả ấy vậy. Sao bài thuyết trình mượt mà như dòng nước nhẹ nhàng uốn lượn, từ phần này sang phần khác liền mạch với nhau cứ như là có chất keo dính vậy.

Chất keo ấy không những làm “dính” các phần thuyết trình lại với nhau mà còn “dính” luôn cảm xúc, sự chú ý của chúng ta vào đó.

Rồi chúng ta còn ngạc nhiên bởi họ thuyết trình sao mà thuyết phục quá đi mất, lập luận vững chắc, thông điệp họ đưa ra cứ như thể là triết lý cuộc sống vậy.

1 trong những lý do họ làm được điều đó là nhờ sử dụng phương pháp “Transitions”, chúng ta có thể gọi là: “Chuyển Tiếp Linh Hoạt” trong thuyết trình.
 

Chúng ta cùng tham khảo 7 cách thức ứng dụng của “Chuyển Tiếp Linh Hoạt” phổ biến nhất:

1/ Người nghe dễ dàng theo dõi, nắm được trình tự của bài thuyết trình.

Chúng ta có 1 số cấu trúc tiêu biểu như sau:

Đầu tiên là…Thứ hai 2…Thứ ba là…

Để bắt đầu…Tiếp theo là…và cuối cùng là…

Để bắt đầu…Tiếp theo là…Cuối cùng là… Và bây giờ…
 

2/ Tạo nên những lập luận vững chắc nhằm đem đến sự thuyết phục.

Chúng ta có 1 số từ, cụm từ tiêu biểu như:

Bên cạnh đó… Ngoài ra…Hơn thế nữa…Mặt khác…

Không những…Mà còn…Đồng thời…

Trong khi đó…Tuy nhiên…Ngay cả khi…

Kết quả là…Do đó…Vì vậy…
 

3/ Tạo ra sự kết nối, tương tác với người nghe qua phương pháp chuyển tiếp với cách “Đặt câu hỏi”

1 số câu hỏi gợi ý:

- Anh chị nào đã từng…?

- Theo các anh chị …?

- Chúng ta nên làm gì...?

- Đâu là cách giúp…?
 

4/ Tạo ra sự cuốn hút nơi người nghe bằng phương pháp chuyển tiếp với “câu chuyện cá nhân”. Đây là cách rất hiệu quả mà những nhà hùng biện/diễn thuyết chuyên nghiệp hay sử dụng.

Chúng ta có 1 số câu tiêu biểu như:

- Tôi còn nhớ…

- Quý vị biết không, khi tôi còn là…

- Cách đây 15 năm về trước…
 

5/ Tạo ra sự tò mò muốn được nghe tiếp của khán giả bằng phương pháp rất đặc biệt đó là: “Tạm dừng” hay nói cách khác là im lặng không nói gì trong 1 khoảng thời gian giữa phần vừa kết thúc và phần tiếp theo sẽ trình bày.

Có 1 lưu ý nhỏ chia sẻ với anh chị là “tạm dừng” ở đây không có nghĩa là không làm gì cả, mà là chỉ không nói, không trình bày thôi, nhưng gương mặt vẫn biểu lộ cảm xúc.
 

6/ Tạo ra sự hồi hộp, chờ đợi trong thinh lặng của người nghe bằng phương pháp: Thay đổi vị trí đứng.

Nghĩa là người trình bày sẽ di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Thường thì chúng ta sẽ không nên nói gì khi di chuyển, vì điều này góp phần tạo nên sự “chờ đợi trong khao khát” của người nghe.

Chúng ta nên sử dụng phương pháp này trong trường hợp muốn đưa ra 1 ý tưởng mới, giới thiệu sang 1 phần khác sẽ rất hiệu quả. Vì sự di chuyển của người trình bày, cũng sẽ tạo nên sự di chuyển trong “suy nghĩ” của người nghe. Anh chị em tham khảo các bài diễn thuyết trên Ted Talk chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trường hợp này nhé.
 

7/ Tạo ra những trạng thái cảm xúc mới cho người nghe bằng cách sử dụng: Video clip hoặc hình ảnh. Đây là cách đơn giản, chúng ta rất dễ dàng để áp dụng trong các buổi trình bày, đào tạo nội bộ. Cách này tạo ra những cảm xúc mới vì nó trực quan, sống động và rất thú vị.

P/S: ACE thấy hữu ích thì cho 1 comment bên dưới để Quốc biết là ace cần và viết thêm các bài khác nhé.

Chia sẻ:

Bình Luận