ĐỘC BẢN

Tuần rồi, tôi có gặp 1 anh học viên cũ ngoài Hà Nội. Anh ấy mời tôi uống café để hỏi thăm về kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo.
Xoay quanh buổi trò chuyện là chủ đề: làm thế nào để tạo ra chương trình đào tạo chất lượng cao, độc đáo, mang bản sắc riêng.
Tôi mới hỏi anh ấy: Trước giờ thấy anh cũng làm đào tạo nội bộ lâu năm, sao giờ lại muốn hỏi thêm về điều này?
Anh chia sẽ là đầu năm nay anh đã nghỉ ở công ty cũ và đi đào tạo riêng. Nhưng chính bản thân anh cũng cảm nhận là những chương trình anh đào tạo không có gì khác biệt cả, nên chất lượng và hiệu ứng sau 1 vài khóa từ đầu năm không có gì khả quan, riết anh cũng cảm thấy chán.
Tôi hỏi thêm: Vậy anh đã có những hành động gì để giải quyết tình trạng này?
Anh nói: Từ đầu năm đến nay anh đã tham gia rất nhiều khóa huấn luyện cả trong lẫn ngoài nước, cả offline lẫn online với ý định là xem chương trình nào hay thì “thiết kế lại” để đem đi đào tạo, chứ những khóa cũ anh làm giờ anh không còn cảm hứng nữa.
Tôi hỏi: Anh đã tham dự những khóa huấn luyện về chủ đề gì?
Chắc phải hơn 25 phút anh mới kể xong hết các khóa anh đã học, gồm rất nhiều chương trình: NLP, coaching trị liệu, chuỗi chương trình bên ICF, chương trình của thầy Anthony Robbins, của thầy John C Maxwell và cả chương trình về thần số học, sinh trắc vân tay, còn 1 số khóa nữa nhưng tôi cũng không nhớ hết được mặc dù đã rất tập trung lắng nghe. 
Nhân cơ hội anh ấy uống nước, tôi mới “kịp chen” vào 1 câu: Đầu năm đến giờ mà học được nhiều chương trình chất lượng quá. Vậy hiện tại anh đã tìm ra chủ đề, dạng chương trình mình có đam mê, có cảm hứng, có nhiệt huyết để đào tạo chưa?
Anh ấy trả lời 1 câu ngắn gọn nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu buổi trò chuyện: Chưa thầy ơi, giờ anh thấy còn rối hơn, chẳng biết mình nên đào tạo dạng chương trình gì bây giờ.

Ngày này, việc tìm kiếm và tham dự các chương trình huấn luyện trở nên dễ hơn bao giờ hết, khi các khóa huấn luyện xuất hiện như nấm sau mưa. 
Đối với đại đa số người dân thì đó là dấu hiệu tốt lành, may mắn vì chúng ta dễ dàng được tiếp cận với những tri thức mới. Nhưng đối với những người làm đào tạo, nó có thể là "con dao hai lưỡi", chúng ta cũng nên xem xét "giảm hoặc cân nhắc thật kỹ lưỡng" việc đi học "tràn lan" các khóa huấn luyện, ngay cả đó là các chương trình đến từ các guru nổi danh.
Những nhà đào tạo cũng giống như những nhạc sĩ tài hoa vậy. Tôi nhớ, trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ phát sóng trên kênh VTV3 mà Tôi đã có dịp tình cờ xem. Khi nhạc sĩ Trần Tiến được mời tham dự chương trình và được yêu cầu hát ca khúc để đời của ông - ca khúc Mặt Trời Bé Con. Nhạc sĩ đã chia sẻ rằng: Để sáng tác ra những bài hát hay, sâu sắc, đi vào lòng người thì người nhạc sĩ có 2 điều tối kỵ mà không phải người trong lĩnh vực sẽ ít biết. 

Điều kỵ thứ nhất, họ sẽ không nghe những bài hát của nhạc sĩ khác vì khi nghe nhiều họ sẽ viết ra những ca tư, âm hưởng giống nhạc sĩ đó. Thậm chí còn bị cuốn theo những dòng nhạc mang tính "trào lưu, nhất thời", thì làm sao có được những tác phẩm mới, tác phẩm hay để cống hiến cho công chúng, những tác phẩm để đời, đi vào trái tim bao thế hệ.

Điều kỵ thứ 2, họ sẽ không hát lại bài hát họ đã sáng tác. Vì hát lại sẽ khó sáng tác được bài hát mới với ẩm hưởng khác bài hát cũ.

Đối với 1 nhà đào tạo ở góc độ nào đó cũng giống thế.
Khi chúng ta đi tham dự nhiều những khóa khác nhau, mặt lợi là giúp ta mở rộng kiến thức, học hỏi từ những người có kinh nghiệm và có cơ hội thực hành những kỹ năng mới. Nhưng mặt hại là chúng ta cũng có khả năng dần mất đi "cái chất riêng" của mình khi đứng đào tạo và gặp trở ngại trong việc sáng tạo ra những khóa đào tạo với chất lượng vượt trội dành cho người học.

Chúng ta sẽ "bị" ảnh hưởng bởi phong cách của họ, kiến thức của họ và ta nhầm tưởng rằng "kiến thức bề mặt" đó là sự "hiểu biết" của ta. Việc đi học chỉ mới dừng ở việc tiếp nhận thông tin trên bề nổi mà thiếu đi sự phân tích sâu sắc, đánh giá đa chiều với những góc nhìn toàn diện, phù hợp với bối cảnh thực tế, đời sống, văn hóa, kinh tế, nhiều khi phù hợp ở văn hóa phương Tây nhưng chưa chắc đã phù hợp với văn hóa phương Đông. Điều nguy hại hơn là thiếu đi sự kiểm chứng từ chính trải nghiệm bản thân, không khéo chưa khám phá thêm về khía cạnh mới của bản thân ta thì đã đánh mất luôn "con người độc bản” của ta luôn rồi.
Từ "Understand" trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt nghĩa là Hiểu biết – từ này được hiểu là việc nắm bắt, lĩnh hội và có kiến thức về một vấn đề, bao gồm cả những ẩn ý và nghĩa sâu hơn của nó chứ không dừng ở kiến thức bề mặt không thôi. Nhiều khi hiểu cơ bản chứ chưa biết thấu.
Để tránh “đánh mất con người độc bản” của mình, ta cần:

1. Nhận thức được rõ ràng những giá trị và đặc điểm riêng của bản thân, xác định rõ thế mạnh, kỹ năng lõi, vùng hiểu biết lõi của mình ở đâu, trước khi mở rộng, tìm hiểu thêm từ bên ngoài. 
2. Dành nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu, đào sâu trong lĩnh vực đó một cách độc lập và tự chủ, thay vì chạy theo trào lưu, nhất thời.
3. Thường xuyên rà xoát lại năng lực lõi, kỹ năng lõi, kiến thức lõi đó đang ở mức độ nào, để đưa ra lựa, chọn chương trình học phù hợp giúp có thêm nhiều góc nhìn mới, phương pháp mới. 

4. Sau đó, cần nhiều thời gian để học lại sâu hơn, phân tích rộng hơn, đánh giá, lựa chọn, thử nghiệm, tinh chỉnh, sáng tạo, đúc rút để ra cách thức phù hợp nhất, tạo ra những giá trị độc đáo và nổi bật.

5. Cũng cần học theo cách các bậc thiền sư, bậc tu sĩ, cao nhân ngày xưa “ẩn thân” để suy nghẫm, không nhất thiết phải đi vào rừng sâu, hang tối, nhưng cần có không gian đủ tĩnh lặng để lắng và đi vào chiều sâu. Vì đó là lúc ta có thể sáng tỏ những điều còn mơ hồ, thoát khỏi những điều gọi là "lối mòn" và "ngộ" ra những điều mới, hoặc tìm ra cách thức tốt hơn dựa trên nền tảng những kiến thức, phương pháp cũ. 
 



Nguyễn Thành Quốc
 

#Thầy_Từ_Tâm

#Học_Viện_Thuyết_Trình_Từ_Tâm

#Chuyên_Đào_Tạo_Thuyết_Trình

 

Chia sẻ:

Bình Luận