Trạng Thái “Hồi Hộp Tích Cực” Trong Trình Bày/Thuyết Trình

  • Anh chị  đã từng cảm thấy hồi hộp, lo lắng mỗi khi đứng trình bày?
  • Anh chị  đã nhiều lần tìm cách để thoát khỏi cảm giác này?
  • Nếu như anh chị  có 1 trong 2 điều trên hoặc cả 2 thì bài viết này dành cho anh chị.
Thay vì tìm mọi cách để loại bỏ những dấu hiệu của sự hồi hộp, lo lắng khi đứng trước đám đông, chúng ta nên hướng đến việc chuyển tác động tiêu cực thành trạng thái mà các chuyên gia gọi là hồi hộp tích cực – “một cảm giác sống động, nhiệt tình, say mê cộng với một chút bối rối, bổi hổi bồi hồi…vẫn còn hồi hộp nhưng cảm xúc khác hẳn”. Nếu các anh chị hay đứng trình bày, Quốc tin là anh chị đã trải qua cảm giác này, 1 cảm xúc rất lạ, rất đặc biệt đúng không các anh chị?

Qua rất nhiều khóa học trong vai trò nhà huấn luyện, hoặc đơn thuần là đứng trình bày trước 1 đám đông bất kỳ thì bản thân Quốc thấy rằng 1 chút hồi hộp nó có thể giúp người trình bày trở nên gần gũi, thân thiết với người nghe hơn. Giúp người trình bày có cơ hội đến gần và đi vào sâu hơn vào “cảm xúc, thế giới” của người nghe.

Như vậy qua góc nhìn này, chúng ta chẳng nhưng không còn là nạn nhân của người bạn mang tên: Hồi Hộp Tích Cực nữa, chúng ta không còn muốn “ruồng bỏ” bạn ấy nữa mà trái lại “Ta cần có nhau Chúng ta thuộc về nhau” – nếu biết cách, chúng ta có thể biến sự Hồi Hộp Tích Cực thành 1 yếu tố giúp chúng ta  “thăng hoa hơn” trong mỗi lần trình bày/thuyết trình/nói trước đám đông.

Có nhiều phương pháp, trong phạm vi bài này Quốc chia sẻ 3 cách trước để anh chị tham khảo và ứng dụng nhé:     

Đầu tiên là Anh Chị Em hãy kết bạn với “Việc Nói”: 

Ngược dòng thời gian, chúng ta hãy nhớ lại “ngày đầu tiên đi học”, nhớ lại khoảnh khắc “trong buổi hẹn hò đầu tiên”, cảm xúc của “nụ hôn đầu đời”…anh chị lúc đó có hồi hộp, tay đập chân run, bối rối chứ? Hầu hết là có đúng không ạh? Vì sao lại run, vì sao lại hồi hộp, có phải do anh chị đối diện với  những “điều mới mẻ” và chưa từng có trải nghiệm trước đó.

Nhưng bây giờ thì sao ạ? Chắc chắn “đã khác xưa”, nhiều khi anh chị nay đã trở thành “vị thần của những nụ hôn nồng nàn”, thành “chuyên gia của những buổi hẹn hò lãng mạn” rồi cũng nên. Vì anh chị thường xuyên làm, thường xuyên đối diện nên “riết thành quen” và do đó không còn cảm giác lo lắng, bồi hồi đó nữa, hoặc nếu có thì cũng không nhiều như xưa.

Nói trước đám đông/trình bày/thuyết trình cũng thế, vấn đề lớn nhất của sự hồi hộp là do ta Sợ những điều chưa biết, một khi nói riết rồi thì cũng sẽ quen thôi.

Vậy, cách đầu tiên anh chị hãy Kết Bạn Với Việc Nói/ Trình Bày. Hãy cho phép bản thân mình vượt ra khỏi vùng an toàn để “chớp lấy cơ hồi” được trình bày ngay khi có thể. Hãy cho bản thân được đọc, học càng nhiều về nói trước đám đông càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Càng làm nhiều bạn càng trở nên tự tin và giảm đi sự sợ hãi.

Trong khóa huấn luyện Thuyết Trình Từ Tâm, Quốc có áp dụng 1 phương pháp đặc biệt gọi là Thử Vi Sai – sẽ giúp cho học viên rút ngắn lại quá trình hoàn thiện, giảm thiểu các sai lầm, tạo ra môi trường học tập không có “bất kỳ đe dọa” nào để bạn tự do thể hiện phong cách trình bày của mình. Điều mà môi trường bên ngoài không tạo ra cho anh chị, thậm chí còn bắt anh chị trả giá để lấy bài học kinh nghiệm. Giống như 1 thi hào đã từng nói: “Kinh nghiệm là ông thầy khó tánh, bắt ta trả giá rồi mới dạy ta bài học”.

Thứ 2 là: Anh Chị Em Hãy “Giảm Sự Kỳ Vọng Và Thôi Mong Cầu Sự Hoàn Hảo Nơi Bản Thân Về Kỹ Năng Trình Bày Của Mình”
Sẽ không có bài trình bày nào hoàn hảo, và cũng sẽ không có bất kỳ nhà diễn thuyết nào dám nhận mình là người trình bày hoàn hảo mỗi khi đứng nói trước công chúng cả. Sự thật là không phải lúc nào những nhà diễn thuyết, hay chính bản thân Quốc cũng trình bày hết được những ý mình đã chuẩn bị, và cũng không phải lúc nào những điều mình vừa trình bày là điều mình đã định nói.

Nhiều khi chúng ta trình bày ý này lộn sang ý nọ, ý trước nhầm sang ý sau, trình từ bài nói lộn xì ngầu, hoặc lỡ bỏ bớt một vài thông tin, hoặc tạm thời quên không biết mình nói gì mà người ta gọi là “mất trí nhớ tạm thời” đó anh chị…v.v mọi thứ hết sức bình thường <bình thường như cân đường hộp sữa>. Nếu điều đó có xảy ra, đừng lo lắng về chúng, cứ bình tâm, hít 1 hơi thở thật sâu, từ từ thở ra nhẹ nhàng, và rồi tiếp tục như không có chuyện gì. Tại sao vậy? Vì người nghe, khán giả của bạn hiếm khi nhận ra “sự cố ấy” và hơn nữa họ cũng không biết bạn định nói gì cả. Trên tất cả và thật may mắn thay nếu có vài người nhận ra thì bạn cũng yên tâm vì “người nghe” có trái tim bao dung và rộng lớn hơn bạn nghĩ, hầu hết những người ham học học luôn tập trung vào những điều tốt, ý hay, ý tích cực hơn là cứ săm soi vào vài lỗi sai vụn vặt của bạn. Mà lỡ như bạn xui xẻo gặp phải ngay “người nghe” như thế thì cũng sẽ có cách vượt qua, Quốc sẽ chia sẻ ở bài viết khác về trường hợp này.

Cuối cùng là: Anh Chị Em Hãy Luôn Tin 1 Điều Rằng: “Khi Đủ Về Lượng Sẽ Thay Đổi Về Chất”.

Có rất nhiều tấm gương nhờ rèn luyện mà đã trở nên xuất chúng. Thật sự như thế, khi chúng ta nghiêm túc rèn luyện, ta sẽ trở thành người trình bày cuốn hút.

Phần lớn mọi người rèn giũa kỹ năng nói chuyện qua quá trình phấn đấu, nỗ lực và tích lũy kinh nghiệm qua sách vở và quá trình giao tiếp, thuyết trình mỗi khi có cơ hội. Chúng ta có thể kể đến Winston Churchill (Thủ tướng nước Anh) là một trong những diễn giả có tài hùng biện vĩ đại nhưng không phải bẩm sinh đã có tài diễn thuyết. Ở tuổi 29, khi Churchill đứng phát biểu trước viện thứ dân ông gần như đông cứng mất hàng phút và chỉ nói lắp bắp được vài câu, rồi trở về chỗ ngồi lấy hai tay ôm đầu trong nỗi thất vọng to lớn. Churchill đã thề điều đó sẽ không bao giờ xảy ra lần thứ hai. Và từ đó Ông ra sức khổ công rèn luyện để rồi trở nên vĩ đại. Hay Abraham Lincoln, chính khách, Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ, nhờ chịu khó nghiên cứu, ứng dụng những cuốn sách về đề tài nói trước đám đông mà đã từ một chàng trai trẻ nói năng bất cẩn thành một nhà hùng biện tài ba được công nhận. Rồi Steve Jobs, ông từng trình bày một cách cứng ngắc, khô khan và nhàm chán. Sau đó Ông đã luyện tập chăm chỉ suốt nhiều năm liền. Năm 2007, Steve Jobs đã làm trấn động cả thế giới với phong cách cuốn hút của ông khi giới thiệu về iPhone, nhiều người coi đây là một trong những bài thuyết trình hay nhất thuộc lĩnh vực kinh doanh.

Qua 3 tấm gương tiêu biểu này và rất nhiều những nhà hùng biện tài ba khác… cho chúng ta thấy rằng: Khi ta nghiêm túc rèn luyện, ta sẽ trở thành người trình bày cuốn hút.

Ở đây Quốc dùng từ “nghiêm túc rèn luyện” vì có nhiều anh chị chia sẻ với Quốc rằng: Mình đã học 2, 3 khóa về thuyết trình trước đây rồi, mình cũng đã đọc sách rất nhiều về kỹ năng này nhưng sao “mèo vẫn hoàn mèo”. Quốc chia sẻ với anh chị ấy rằng: Chúng ta đã từng được học: Sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Song không phải bất kỳ sự thay đổi nào về lượng cũng dẫn đến sự thay đổi về chất tức khắc. Chỉ khi nào lượng biến đổi đến 1 giới hạn nhất định “Điểm nút” nó sẽ thực hiện “Bước Nhảy” khi đó mới dẫn đến sự “Thay đổi Về Chất”. Và sự hoàn thiện & phát triển về kỹ năng trình bày cũng tuân theo quy luật giữa mối quan hệ biện chứng lượng & chất ấy.

Do vậy, nếu anh chị em nào đã dành thời gian, công sức để rèn luyện rồi nhưng chưa có sự tiến triển về kỹ năng trình bày thì chúng ta xem lại là chúng ta đã “tích đủ về lượng” chưa nhé. Còn nếu đã nổ lực nhiều lắm rồi mà vẫn không thấy tiến triển thì chúng ta xem lại “cách ta rèn luyện đã đúng chưa”.

Đôi dòng chia sẻ cùng Anh Chị Em, để chúng ta có dịp cùng nhìn nhận lại việc phát triển kỹ năng trình bày của mình. Rồi ở các bài viết tiếp theo Quốc sẽ dần dần, từng bước gửi cho các Anh Chị Em các bài phù hợp, theo lộ trình để cùng nhau rèn luyện nhé. Kỹ năng trình bày không phải là tài năng thiên bẩm. Thật đơn giản, nó bao gồm những phương pháp đúng + thực hành đúng và đủ.

Chúc các Anh Chị Em ngày mới tốt lành. Nếu hôm nay có cơ hội trình bày/thuyết trình/phát biểu thì Anh Chị Em cứ thế Just Do It nhé!

Nguyễn Thành Quốc
Nguyễn Thành Quốc
Anh là người sáng lập và điều hành Tâm Tâm Training từ 1/2016. Tâm Tâm Training là tổ chức đào tạo được tin yêu, tập trung nghiên cứu và triển khai những giải pháp về phát triển năng lực trình bày/thuyết trình/đào tạo/huấn luyện/diễn thuyết/hùng biện dành cho các cá nhân và tổ chức.

Các chương trình huấn luyện tiêu biểu được anh Nguyễn Thành Quốc thiết kế và trực tiếp đào tạo

Công thức góp phần tạo nên thành công trong đào tạo của anh Nguyễn Thành Quốc gói gọn trong trong 4 chữ T: Từ Tâm - Tâm Lý - Tâm Huyết - Truyền Cảm Hứng

Chia sẻ:

Bình Luận