Bí Quyết Thuyết Trình - Cách Mở Đầu Thuyết Trình Ấn Tượng

Lời mở đầu phải tạo ra được một mối liên hệ thân thiện giữa diễn giả với khán giả, gợi lên được mối quan tâm thích thú của họ về đề tài cùng những gì bạn sẽ trình bày.
Mở đầu với một trích dẫn
  • - Tại sao nên mở đầu với một trích dẫn? Bởi vì một câu trích dẫn cô đọng và thích hợp sẽ làm thu hút ngay sự quan tâm của khán giả và tiếp thêm lửa cho bài nói của bạn.
  • - Để mở đầu một bài thuyết trình về đề tài Thay đổi để thành công hơn, tôi thường trích dẫn một câu nhận định nổi tiếng của Albert Einstein như sau: “Điên, đó là mong muốn một kết quả tốt hơn từ cách làm như cũ.”
  • - Mượn lời lẽ khôn ngoan của nhà vật lý đại tài, tôi đã lập tức thu hút được khán giả. Và họ nhập cuộc ngay từ đầu. Họ bắt đầu hiểu được một chân lý rất đỗi bình thường của cuộc sống: làm sao có thể khấm khá hơn được nếu vẫn sống cuộc đời như cũ.
Mở đầu với một phát biểu gây kinh ngạc
  • Bạn có thể “dụ” khán giả mình bằng cách nói vài lời nào đó gây kinh ngạc và hấp dẫn. Hãy thử nói điều gì đó khiến họ bật cười. Theo cách này, có diễn giả nọ đã có lời mở đầu như sau: “Tôi rất thường tự hỏi người ta nhét thứ gì vào cái bánh hot dog. Giờ thì tôi đã biết và cũng ước gì tôi đừng biết thì hơn.
  • Hãy tìm đọc và nghiên cứu những tác phẩm văn chương cổ điển để tìm ý tưởng gây ngạc nhiên, bởi vì những nhà văn danh tiếng thường rất giỏi về chuyện câu kéo sức tập trung của người đọc ngay lập tức. Chẳng hạn, bạn hãy xem lời mở đầu tác phẩm 1984 của nhà văn George Orwell: “Đó là một sớm tháng Tư lạnh lẽo, và những chiếc đồng hồ treo tường đang điểm tiếng thứ mười ba.”
  • Tôi có cô bạn rất vui tính, làm giảng viên đại học. Lần nọ, cô ấy mở đầu bài giảng đầu học kỳ thế này:
  • “Tôi tên là… Các bạn hãy nhìn vào người đang ngồi bên phải mình. Rồi bây giờ hãy nhìn vào người đang ngồi bên trái mình. Một trong số những người này sẽ rớt trong kỳ thi sắp tới.” Phần mở đầu với những lời lẽ gây sốc như thế chắc chắn sẽ làm cho cả giảng đường phải chăm chú nghe những gì cô giáo ấy giảng.
Mở đầu với một mẩu chuyện
  • Những câu chuyện luôn là cách mở đầu hiệu quả để thu hút khán giả, vì ai cũng thích nghe kể chuyện. Đây là một thí dụ: “Năm tôi lên ba, cha tôi qua đời đột ngột. Khi ấy mẹ tôi đã có đường riêng để đi, và chúng tôi phải sống với Bà ngoại. Ngoại tôi rất khắt khe, luôn treo một chiếc thắt lưng da rất dày đằng sau cái tủ lạnh để giữ mọi thứ trong nhà được trật tự, yên ổn. Bà không bao giờ ngại dùng đến nó. Người đàn bà thép này đã dạy tôi ba bài học vô giá tôi sẽ chia sẻ ngay với các bạn hôm nay.”
  • Các mẩu chuyện vắn gọn, súc tích, thích hợp sẽ làm khán giả tò mò và trọn vẹn theo dõi ngay từ đầu; chúng cũng giúp tạo một sắc thái riêng cho bài thuyết trình của bạn. Tuy nhiên, phải nhớ là đừng kể các câu chuyện quá dài dòng, khiến người nghe mệt mỏi.
Mở đầu với một câu hỏi
  •  Đặt ra một câu hỏi gợi suy nghĩ. Đây là cách hữu hiệu để lập tức “chộp lấy” ngay sự chăm chú theo dõi của khán giả và đưa họ vào nội dung đề tài bạn sẽ trình bày. Chẳng hạn, "Những ai trong các bạn quyết định thà nuốt sâu róm còn hơn là đứng trước đám đông mà diễn thuyết?” “Nếu được làm lại việc này lần nữa, các bạn sẽ thay đổi điều gì?” Khán giả sẽ bắt đầu suy nghĩ để đưa ra câu trả lời của mình.
  • Tuy nhiên, sau khi đặt câu hỏi, bạn hãy nhớ ngưng lại một chút để khán giả có thì giờ nắm bắt và suy nghĩ. Nếu vừa hỏi xong, bạn đã lập tức đưa ra câu trả lời ngay trong lúc khán giả chưa kịp suy nghĩ, thì họ sẽ lập tức kết luận rằng thực ra bạn chỉ hỏi cho vui chứ chẳng thèm quan tâm gì đến những điều họ nghĩ, và họ sẽ làm ngơ luôn những gì bạn sẽ nói.
Nguồn: Sưu tầm Internet
Chia sẻ:

Bình Luận